top of page
  • Bon Huyn

CON ANH, CON TUI, HAY CON “CHÚNG TA”

Sau 6 tháng con ra đời, nhiều phụ nữ làm mẹ bắt đầu cảm thấy “chán” người đàn ông có chức phận là “chồng”, vì cảm thấy con người này không “đạt” ở nhiều mặt, liên quan đến nhiệm vụ chăm sóc con “của mình”. Làm ba gì mà con thức dậy khóc cũng ngủ như chết! Phải như mẹ này, con cục cựa mình, ọ ẹ một cái là tỉnh ngay, phắt người dậy ngay, đáp ứng nhanh lẹ như điệp viên 007 mới là “đạt chuẩn”! Làm ba gì, mà kêu trông con tí, hi hí mắt kiểm tra là đã thấy “chấm rớt” rồi, vừa trông con vừa cắm cái mặt vô máy tính, ipad, đọc truyện tranh, xem đá banh, chơi vi tính! Phải như mẹ này, phải biết ru à ơ, phải biết kĩ lưỡng, ôm ấp nói chuyện, toàn tâm toàn ý chứ! Nhờ có lau cái mông nhỏ xíu chưa bằng cái bàn tay, mà làm cũng không đủ sạch! Nhờ thay tã chút xíu, mà còn mặc trước ra sau! Như vậy là không được, là hời hợt, là không biết thương con! Như vậy phăng ta zi ra, là không biết thương cả vợ nữa, vì làm nhức mắt như thế, thế là vợ xót quá, bực quá, phải đánh phăng ra, tự gồng mình dậy với con ban đêm, phải tự trông con mòn mõi mặc dù đây đang mệt lắm nè, đang thiếu ngủ lắm nè! Con là con của tui thôi, chắc không phải con của anh rồi! Mai mốt có chuyện gì, tui đá đít anh ra cho phẻ, tui chỉ cần sống với cục vàng của tui mà thôi, nhé!!!.....

Thế là tự nhiên, từ một “đội” cùng một mục tiêu, cùng chung sức để “có con”, khi đạt được thành quả “con”, thì chẳng bao lâu, đội hai người trở thành đội “3 người” phân phe rõ rệt! Người đàn ông bỗng thấy mình chơ vơ, lỏng chỏng, và bị cho ra rìa một cách quá ư thê thảm phũ phàng! Làm cái gì cũng bị bắt bẻ, làm cái gì cũng không được hài lòng! Chưa kể từ khi có “bạn ấy”, lại có cảm giác như mối quan hệ tình cảm trai gái tay ba đúng nghĩa, mà người có bồ mới lại là vợ mình, chứ chẳng phải mình! Vợ chăm bồ mới như chăm trứng, đặt bồ mới lên luôn đầu vợ chưa đủ, áp đặt đặt lên cả đầu mình. Thương bồ mới chắc chắn hơn thương mình, mà còn răn đe mình vì bồ mới nữa chứ! Từ lúc lên chức “mẹ”, tự dưng có cảm giác vợ mình thành “mẹ mình” luôn, hay còn hơn thế nữa! Vậy thì phải làm sao?! Mà người ta là người lớn rồi, cái gì kẹp nẹp quá, bắt bẻ quá, thì càng không có hứng để mà hợp tác! Chuẩn này là chuẩn của vợ, chứ đâu phải chuẩn của chồng, sao lại bắt ép nhau oan uổng thế kia!.....Thế là càng buồn chán, càng thất vọng, càng chia xa, vì người thứ ba nhỏ xíu nhưng sức ảnh hưởng nặng hơn cả bầu trời!

Người ta luôn nói, đàn bà đến từ sao kim, đàn ông đến từ sao hỏa, là để chỉ sự khác biệt tính cách, tiếp cận, và quan điểm giữa hai phái nam và nữ! Trong chuyện trông con, chăm con, cũng phản ánh một cách trực tiếp sự khác biệt này! Cái nhìn, định kiến xã hội về vai trò, nghĩa vụ của người nam và nữ trong một gia đình tại Việt Nam, càng làm cho nhiều người đàn ông không được trang bị sự “đảm đang” cần có để trông con như vợ, và càng làm cho nhiều người phụ nữ trở nên “quá đảm đang”, và “quá chịu khó” để cảm thấy mình có thể gồng lên gánh vác bất kì lúc nào, và giữ cái khó chịu trong lòng, tích tụ, tích tụ, cho đến khi bùng nổ một cái đùng thì xong hết chuyện, kể cả chuyện của “đôi ta”!

Việc có một con trẻ trong nhà, không chỉ làm thời gian riêng của “anh với em” bị giới hạn một cách tội nghiệp, mà còn làm cho những khác biệt về quan điểm, thực hành, và giá trị về những vấn đề cỏn con, tủn mủn “của em” và “của anh” bị phơi bày rõ rệt, và nhiều khi bị phóng đại lên gấp trăm ngàn lần vì sự thay đổi tâm sinh lý, vì stress, vì không có cơ hội giãi bày, vì sự đụng chạm ở nhiều thế hệ! Vì vậy, không hiếm thấy những cặp tình nhân trẻ đắm đuối yêu thương, cười tươi như hoa kết sợi dây hồng, nên duyên chồng vợ, lại nhanh chóng chia xa, chóng vánh kí tên trên tờ giấy ly hôn để có thể dứt nợ nhau khi con vàng con bạc chưa kịp mừng sinh nhật đầu đời! Nhiều mối quan hệ vợ chồng “sống sót” được (theo cả nghĩa đen) qua những năm đầu tiên của con trẻ, thì vẫn như gương vỡ không lành lặn được hoàn toàn, trong lòng cả hai đều có những sứt sẹo tổn thương tình cảm từ cái thuở căng thẳng gay gắt năm nào, nhìn lại vẫn còn rùng mình tự hỏi tại sao vẫn có thể duy trì quan hệ yêu thương sau những xấu xí, học hằn, vô tình, tàn nhẫn, từ cả hai bên!

Vì vậy, cho nên, lời khuyên có thể đưa ra cho những cặp vợ chồng son, là nên chuẩn bị tâm lý để cùng nhau, vượt cạn để có bé, và vượt sâu để giữ vững bên nhau.

Người phụ nữ quá đảm đang, quá hoàn hảo, cầu toàn, nên giảm lại sự đảm đang, hoàn hảo, cầu toàn, để người đàn ông còn có thể tìm một khoảng rộng vừa đủ để đặt đủ hai chân mình vào, và tự tin đứng vững! Nên đủ rộng lượng và yêu thương, như thời xa xưa ấy, để người đàn ông được khích lệ, có thời gian để tìm hiểu, thiết lập mối quan hệ tình cảm với con, có cơ hội tìm, khám phá khả năng của mình trong việc chăm con, cũng như có thể nhận ra vai trò chính đáng của mình trong mối quan hệ mẹ-con-ba mà mình luôn là người “đến muộn”.

Người đàn ông cũng nên giữ rộng lượng, thêm chút nhẫn nhịn, thêm chút yêu thương, thêm nhiều sâu sắc, để tìm hiểu, nhận ra, và hỗ trợ kịp thời, những thay đổi nhiều khi không nhận biết, trong tâm tư tình cảm, tâm sinh lý của người phụ nữ của mình, để có thể chủ động chia sẻ, linh động hỗ trợ, và để nhận biết những bệnh lý tinh thần cần can thiệp một cách kịp thời!

Để sao cho, thuyền 3 người vẫn không bị chòng chành, khệ nệ, để đội “3 người” không bị chia ly! Để sao cho, chúng ta có thể dắt tay nhau đi, dù khập khiễng, chật vật, cũng có thể, trong tương lai, quay nhìn lại mà mỉm cười thoải mái, và để thấy "quí" nhau hơn!

Để gia đình thật sự là nơi chốn đáng để quay về, là một giá trị nhân văn mà không người nào muốn đánh đổi!

Để tình cảm vợ chồng, thật sự là một tình yêu bền vững!.....

Nguồn: Bs. Huyên Thảo. ( https://www.facebook.com/pagehuyenthao/ )

0 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page